Sân khấu TP.HCM nỗ lực cho ngày trở lại

VHO- Các sân khấu, nhà hát tại TP.HCM đang thay phiên nhau sáng đèn để phục vụ cho 26 vở diễn tham dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đang diễn ra xuyên suốt từ ngày 3 - 17.1.

Sân khấu TP.HCM nỗ lực cho ngày trở lại - Anh 1

Khán giả và đại biểu thưởng thức Liên hoan Kịch nói tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang

Có thể nói, sau 2 năm gần như “tê liệt” vì dịch bệnh, các sân khấu tại TP.HCM đã thực sự trở lại một cách rực rỡ với việc mở màn năm mới bằng Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 sau lần “lỡ hẹn”. 
Sàn diễn đã sẵn sàng “come back” 
Một điểm sáng cho Liên hoan lần này là số lượng đơn vị và vở diễn đăng ký dự thi vượt trội so với những kỳ trước với 20 đơn vị và 26 vở diễn. Trong đó, 11 đơn vị tham gia với tư cách là những công ty có chức năng sản xuất phim và kịch, các nhóm kịch không có nhà hát; có đơn vị lần đầu tham gia Liên hoan như Sân khấu Hoàng Thái Thanh cùng sự trở lại của một số đơn vị sau nhiều năm vắng bóng như: Sân khấu Kịch Quốc Thảo, Công ty Sử Việt, Công ty tổ chức biểu diễn Phiêu Linh, Công ty truyền thông GODI, Công ty HN Media… Đặc biệt, nhiều đơn vị dự thi mang đến hai vở như Hội Sân khấu TP.HCM, Thế giới Trẻ, Nhà hát kịch TP.HCM, Nhà hát kịch 5B, Sân khấu Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh… Những tín hiệu này cho thấy các đơn vị đã sẵn sàng “come back” sau quãng thời gian “đóng băng” quá dài.
Đề tài của các vở diễn khá hấp dẫn và mang nhiều màu sắc, trong đó, có những vở lịch sử được đầu tư, dàn dựng công phu như: Thành Thăng Long thuở ấy (Nhà hát Thế giới trẻ Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) kể câu chuyện nhiều xúc cảm xoay quanh cuộc đối đầu giữa Trần Thủ Độ và Lý Chiêu Hoàng; Khóc giữa trời xanh (Công ty Sử Việt) cảm tác từ nỗi oan khuất của thái sư Lê Văn Thịnh; Cuộc hành trình tìm bức chân dung (Nhà hát Kịch TP.HCM) miêu tả hành trình đi tìm bức ảnh Bác Hồ của nhóm bạn nhỏ thời kháng chiến chống Mỹ; Câu hò đất mẹ (Công ty Phiêu Linh) nói về nữ chiến sĩ Cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai… Một số vở mang màu sắc dân gian như: Tấm và Hoàng hậu (Sân khấu Hồng Hạc), Chuyện làng (Hội Sân khấu TP.HCM)…; cùng khá nhiều vở mang đậm bản sắc Nam Bộ, là những câu chuyện dung dị về con người, cuộc đời như: Bạch Hải Đường và Sài Gòn có một ngã tư (Sân khấu Hoàng Thái Thanh), Mưa bóng mây (Hero Film), Tình lá diêu bông (Nhà hát 5B), Bao giờ mẹ lấy chồng, Ngược gió (Sân khấu Thế giới Trẻ), Nắng chiều (Sân khấu kịch Quốc Thảo)… Đặc biệt, sân khấu kịch Trịnh Kim Chi sẽ mang đến vở Blouse trắng đậm chất thời sự khi phản ánh cuộc chiến chống Covid-19 căng thẳng của người dân TP.HCM thời gian vừa qua. Vở diễn do Miên Thảo viết kịch bản, Nguyễn Hữu Tiến làm đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu giữ vai trò cố vấn nghệ thuật và 40 diễn viên để thể hiện đủ các thành phần trong bối cảnh của một bệnh viện dã chiến…
Phần lớn đơn vị tham gia là các sân khấu xã hội hóa. Có thể nói, đó là tín hiệu vui cho kỳ hội diễn trở lại ngay sau khi TP.HCM vừa trải qua đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ tư với những dư chấn nặng nề.

Sân khấu TP.HCM nỗ lực cho ngày trở lại - Anh 2

Một cảnh trong vở “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” của Nhà hát Kịch TP.HCM

Phô diễn tài năng và khát khao sáng tạo của nghệ sĩ
Trong tình hình hiện tại, nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu vẫn còn tâm lý e dè và chưa dám “sáng đèn”. Tuy nhiên, sự khởi động của Liên hoan lần này chính là cơ hội để các sàn diễn tự tin hơn với trạng thái “bình thường mới”, để qua đó tìm ra những tác phẩm chất lượng, những gương mặt tiềm năng cũng như khẳng định dòng chảy của loại hình nghệ thuật Kịch nói vẫn luôn có sức hấp dẫn trong lòng công chúng. Hơn nữa, tại đây các diễn viên trẻ có cơ hội giao lưu để học hỏi từ những nhà chuyên môn và những tiền bối có nhiều kinh nghiệm. Liên hoan cũng là dịp để các đơn vị thăm dò xem khán giả đã thực sự muốn đến sân khấu xem kịch hay chưa. Vì thế, rất nhiều sân khấu tham gia Liên hoan đã bắt đầu tổ chức bán vé dù với số lượng hạn chế. Tín hiệu càng lạc quan hơn khi Sân khấu Hoàng Thái Thanh chỉ trong 10 phút đã bán hết sạch 100 vé vở Bạch Hải Đường, và sau đó Sài Gòn có một ngã tư cũng nhanh chóng hết vé. Bởi vậy, ngoài việc được làm nghề, nhiều nghệ sĩ tham gia Liên hoan cũng mong muốn đây sẽ là cú hích, là bước tạo đà cho mùa kịch Tết 2022 với hy vọng có thể diễn ra trong thời gian tới nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương, Trưởng BTC Liên hoan bày tỏ, sự kiện lần này chính là cơ hội để các nghệ sĩ có dịp phô diễn tài năng cũng như khát khao sáng tạo, khát khao cống hiến, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp. Liên hoan được tổ chức tại TP.HCM là một cố gắng lớn của các cơ quan chức năng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị nghệ thuật Kịch nói chuyên nghiệp đang hoạt động tại TP - địa phương chịu tổn thất nặng nề trong đại dịch. Đây cũng sẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho lòng yêu nghề và tinh thần vượt khó của giới văn nghệ sĩ, phản ánh trung thực, đầy đủ hiện trạng Kịch nói Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức: “Liên hoan Kịch nói toàn quốc là hoạt động luôn được công chúng yêu nghệ thuật mong đợi. Đây là điều kiện thuận lợi cho các đơn vị nghệ thuật Kịch nói trong và ngoài công lập được giao lưu, trau dồi thêm nghề, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật. Đồng thời, sân chơi này sẽ tôn vinh những sáng tạo trong lao động nghệ thuật cũng như các văn nghệ sĩ xuất sắc, giúp cho cơ quan quản lý và các tổ chức tìm ra giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp thực tiễn vận động của văn học nghệ thuật nước nhà”.
Sau một năm hoạt động nghệ thuật biểu diễn đóng cửa im lìm, bế tắc, kiệt quệ cả tài chính lẫn tinh thần, Liên hoan lần này mang ý nghĩa khẳng định vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của sân khấu Kịch nói TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là chất xúc tác cần thiết, đánh dấu giai đoạn trở lại đầy phấn khởi cho các hoạt động sân khấu khu vực phía Nam. 

 T.TRANG - H.HẠNH

Ý kiến bạn đọc